- Thời vụ
Cây chuối không yêu cầu nghiêm ngặt về thời vụ, có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất nên trồng vào đầu mùa mưa. Ở thời điểm này, cây con sinh trưởng thuận lợi và có tỷ lệ sống cao.
- Giống và cách nhân giống
Giống Chuối Tiến vua hay còn gọi là chuối ngự.
Có 3 phương pháp nhân giống chuối hiện nay là nhân giống chuối từ tách chồi, nhân giống chuối từ củ (thân ngầm) và nhân giống chuối bằng nuôi cấy mô (in vitro). Phương pháp phổ biến và dễ thực hiện nhất với người dân là nhân giống từ tách chồi.

Hình 1: Vườn chuối được nhân giống theo phương pháp tách chồi
Cách thực hiện: Chọn chuối con “lá lưỡi mác” có gốc to và ngọn nhỏ, cao 1 – 1,5 m, đường kính thân (chỗ cách gốc 20 cm) là 15 – 20 cm, không sâu bệnh và là cây thứ 2, thứ 3 ở cây mẹ đã trổ buồng. Đào toàn bộ củ và rễ của cây lên, gọt bỏ hết rễ trên củ, cắt 2/3 lá xòe, giữ nguyên lá cuốn (chỉ để 1 lá ngọn trên cây); sau đó, đưa cây vào chỗ râm mát trong 1 – 2 ngày
- Làm đất
Đất phải được cày bừa kỹ, diệt cỏ dại trước khi trồng, cày sâu 30 cm, cày 2 lần, lần 2 vuông góc với lần 1. Nếu đất rộng, chia lô chống cháy mùa khô. Đào hố và bón phân: Đào hố sâu 40 – 60 cm và rộng 40 – 60 cm. Trộn phân chuồng, tro trấu cùng với lớp đất mặt, lấp đầy hố. Trước khi trồng 20 ngày, dùng 0,5 kg vôi bột xử lý cho một hố trồng. Sau đó, trộn tro trấu, phân chuồng ủ hoai mục 10 – 15 kg (hoặc hữu cơ vi sinh) và 0,2 kg Supe lân với lớp đất mặt, đảo đều rồi lấp đầy hố (trước khi trồng 10 – 15 ngày).
- Cách trồng
a, Mật độ và khoảng cách
Mật độ trồng phụ thuộc vào giống chuối, giống càng thấp cây, tán lá hẹp như chuối tiêu lùn, chuối ngự có thể trồng dày, còn các loại như chuối tiêu vừa, chuối tiêu cao, chuối lá, chuối gòn, … trồng thưa hơn. Mật độ trồng phổ biến khoảng trên dưới 1.000 cây/ha, khoảng cách trồng: 3 x 3 m (1.100 cây/ha) hoặc 3 x 2,5 m (1.300 cây/ha).
Tuy nhiên, khi trồng mật độ dày cần phải chú ý: Chọn cây con thật đồng đều nhằm tránh hiện tượng lấn át, tranh giành dinh dưỡng và ánh sáng giữa các cây.
b, Cách trồng
Dùng cuốc, xẻng, lấp đất vào hố, lượng đất dày khoảng 30 cm, sau đó dùng cuốc moi 1 hốc ở giữa rộng khoảng 30 cm để đặt cây chuối con vào, cổ của củ chuối nằm ở vị trí sâu khoảng 10 cm cách mặt đất, chú ý đặt cây thẳng đứng để tránh cây bị đổ và mọc nghiêng sau này. Tiếp theo, lấp đất kín gốc cây, vừa lấp vừa giậm nhẹ để cây im gốc, lớp đất kín trên thân ngầm 5 – 6 cm. Nện chặt gốc cây để cây không bị gió lay lắt, làm đổ cây, đứt rễ non, tạo cho cây được tiếp xúc chặt chẽ với đất để ra rễ được thuận lợi. Chú ý lèn cho đất chặt, nhưng không nên lèn đất ép chặt vào thân giả, dễ làm cho bẹ của thân giả bị ép chặt, điểm sinh trưởng không phát triển lên được. Lèn đất theo chiều song song với thân giả hoặc dùng chân giậm chặt rồi tưới nước (nếu đất khô).
- Chăm sóc
- .Bón phân
a, Lượng bón
Chuối đòi hỏi lượng kali rất lớn. Lượng phân bón trung bình cho 01 ha chuối thường là 200 kg N + 80 kg P2O5 + 200 kg K2O, tuỳ theo loại đất; nếu đất chua, bón thêm vôi sẽ mang lại hiệu quả cao. Lượng phân bón cho chuối phụ thuộc vào sản lượng thu hoạch, khi cây cho năng suất cao cần tăng lượng phân bón trả lại.
Cần bón cân đối đạm và kali cho chuối, 2 yếu tố này có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo thành năng suất của chuối. Tuy vậy, đối với chuối, tỷ lệ canxi và magiê cũng rất có ý nghĩa, bởi vì 2 yếu tố này góp phần phát huy hiệu lực của kali. Để đảm bảo quả chuối có phẩm chất tốt, phun kẽm và bón cho cây với liều lượng 5 -10 kg/ha, phun 1 – 3 lần trong 1 vụ.
b, Cách bón
Bón lót:
Tiến hành bón lót cho mỗi gốc chuối từ 10 – 15 kg phân chuồng hoai mục; Ure: 60 g; SA: 145 g; Supe lân: 200 g; KCL: 200 g. Đào 1 rãnh vòng quanh, cách gốc 20 – 30 cm gốc cây để rắc phân vào, sau đó lấp kín phân, dùng rơm rạ ủ kín và tưới nhẹ giữ ẩm.
Bón thúc: Bón 3 lần ở 3 giai đoạn khác nhau
– Lần 1: Sau trồng một tháng rưỡi đến 2 tháng, bón 500g NPK (12:8:12)/1 gốc chuối, rắc đều phân lên trên, sau đó lấp đất lại rồi phủ rơm mục lên, có thể rắc thêm vôi bột nếu đất chua.
– Lần 2: Sau trồng khoảng 5 tháng, tức là 1 tháng trước khi cây trổ buồng.
– Lần 3: Sau khi cây ra buồng 1 tháng.
Lần bón thúc thứ 2 và thứ 3, sử dụng loại phân và số lượng giống nhau, gồm 100 g đạm + 200 g kali/1 gốc, trộn đều 2 loại phân với nhau, rồi rắc lên bề mặt gốc. Sau đó, tưới nước cho cây. Đối với những diện tích rộng, có thể hòa tan phân vào bể nước sau đó dùng máy bơm nước tưới đều lên các gốc chuối.
– Lần 4: Bón cách lần thứ 3 khoảng 40 – 45 ngày, với lượng 300 – 400gam/trụ NPK 24 – 10 – 22 + TE hoặc 400 – 500 gam/trụ NPK 18 – 6- 12 + TE, kết hợp phun phân bón qua lá, Canxi, Bo.